Duy “bàn tay vàng”
Mỗi lần ngắm Đặng Đình Duy chàng trai của thôn An Động (xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) thao tác chạm đắp hình long, li, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai và những hoa văn trên các công trình kiến trúc ở Đền Đô, tôi càng thêm cảm nhận Duy thật sự có “bàn tay vàng” trong nghề xây dựng công trình kiến trúc văn hóa tâm linh.
Duy theo nghề truyền thống của gia đình từ năm 13 tuổi, lúc ấy còn học Trung học cơ sở và rồi học qua trường Trung cấp xây dựng. Vừa học vừa làm, lại vừa làm vừa học mà trưởng thành. Tâm thiện lập nghiệp, Duy cần mẫn học ở thầy, ở bạn, ở chính ông cha mình.
Tuổi trẻ say mê và sáng tạo, khiêm tốn rèn nghề, Duy như bẩm sinh năng khiếu kiến trúc văn hóa tâm linh. Hai mươi năm vào đời, tham gia vào hàng trăm công trình ở trong và ngoài tỉnh, Duy đều làm thành công.
Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Duy có duyên về Đình Bảng-đất phát tích Vương triều Lý và vinh dự được trúng thầu tham gia xây dựng các hạng mục công trình ở chốn thiêng liêng, hùng khí rồng bay lên mà đậm tình người ngoan Kinh Bắc.
Tôi đã dõi theo và ghi hình những tác phẩm của Duy. Ở Ngũ long môn Đền Đô, thật đẹp sao với “Mái cửa rồng, cong đao rồng che chở/ Vững cột lim hiên ngang trụ đất trời… Ngói mũi hài xếp thẳng dòng năm tháng/ Đất nước thanh bình, Đền miếu khang trang”.
Làm nghề kiến trúc văn hóa tâm linh, Duy thật tâm linh, một chút lãng mạn của tâm hồn nghệ sĩ, nét cong đao rồng từ tay Duy đắp chẳng lẫn với ai, độc đáo, có hồn lắm, như “vinh danh hào khí Thăng Long”. Người đời chiêm ngưỡng, yêu lắm.
Thuỷ đình Đền Đô xưa được là hình ảnh in trên giấy 5 đồng tiền vàng Đông Dương, kiến trúc tuyệt xảo, giặc phá năm 1952, năm 2000 Nhà nước đầu tư phục dựng để lại in lên đồng tiền kim loại 1000 đồng của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, trong tình cảm lớn cả nước hướng tới ngày lịch sử 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Duy nhận trách nhiệm tu bổ phục dựng đắp nổi kiến trúc văn hoa truyền thống, lại đao rồng trên tám mái chồng diêm, hình rồng chầu mặt nguyệt… rất có hồn, làm cho Thuỷ đình Đền Đô luôn huyền diệu, lung linh hình đất nước quê hương. Bao người tới là bao người muốn đứng chụp một ảnh bên Thuỷ đình Đền Đô một đoá sen xinh giữa hồ bán nguyệt.
Duy đặc biệt hạnh phúc khi được nhận công trình bức cuốn thư “Thiên đô chiếu” của Lý Thái Tổ dựng bên Ngũ long mon ở Đền Đô. Duy cùng đồng nghiệp nắng mưa chẳng quản mong sao làm cho xứng với đức Vua đã dời đô xây dựng kinh đô Thăng Long “Vì muôn ức đời con cháu”.
Xuân năm Canh Dần-2010, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng về Đền Đô dâng hương tưởng niệm Lý Bát Đế đã tới chiêm ngưỡng công trình bức cuốn thư “Thiên đô chiếu” Phó Thủ tướng đã nói với đồng bào cùng đứng xem về ý nghĩa của chiếu dời đô, công lao của Thái Tổ Lý Công Uẩn với việc định đô Thăng Long. Nhân đó đã khen người làm bức cuốn thư có bàn tay khéo.
Làm công trình nào, Duy cũng chu tất lắm, để đời cơ mà. Nhưng cái chính là lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp. Duy vừa mới tiếp tu bổ tôn tạo tháp Lý Khánh Văn, tưởng niệm dưỡng phụ của Lý Thái Tổ bên chùa Quỳnh Lâm (nay là chùa Kim Đài ở Đình Bảng). Tháp cao 9 tầng trong khuôn viên linh thiêng, với bao nét kiến trúc rất hồn dân tộc, rất tâm linh cõi Phật, nhân ái và trí tuệ.
Sau ngày Lễ hội Đền Đô kỷ niệm 1000 năm ngày Lý Thái Tổ Đăng quang, đặt niên hiệu Thuận Thiên mong Thiên hạ Thái bình, Duy lại vào việc mới dựng Tam quan chùa Quang Đổ (Chùa ánh sáng luôn chiếu vào cho mọi người tới cầu phúc). Nơi này chỉ cách Đền Đô 500 mét. Với hào khí Thăng Long đậm trong trái tim yêu đời, Duy cùng đồng sự đã sẵn sàng làm thêm một tác phẩm mới dâng đời mà mình được hưởng Phúc theo.
Là người viết lịch sử việc tu tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên quê hương nhà Lý, chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, qúy trọng những nghệ nhân Kinh Bắc tài hoa, tôi ghi vào trong trang sách của mình, cũng là dấu ấn tình cảm của mình đối với người thợ tài năng, tâm thiện: “Duy bàn tay vàng”.
Bài viết của tác giả: Nhà giáo nhân dân, anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn
Nguồn: baobacninh.com.vn